Gyeongbokgung - Cung điện Hàn Quốc

"Cố cung cổ kính giữa thị thành hiện đại bậc nhất châu Á"

     Một trong những nơi mình muốn đến ở Hàn Quốc chính là cung điện, trong đó lớn nhất là Gyeongbokgung 경복궁. Có lẽ do ấn tượng từ hình ảnh cung điện trên phim ảnh, đặc biệt là bộ phim Dae Jang Geum 대장금 mà mình đã từng xem, cộng với tâm lý tò mò không biết cung điện của vua chúa ra sao. Thế là, vào một ngày cuối tháng ba, mình đi tham quan cung Gyeongbok với một sự hứng khởi, bắt đầu hành trình tự khám phá Hàn Quốc. 29.03.2014, lần đầu mình đặt chân đến Gyeongbokgung, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất khi đến thăm Seoul. Sau này, mình đã vài lần đến đây để dẫn những người bạn tham quan cung điện.



Cung Gyeongbok
     Phía trước cung là một quảng trường rất rộng tên là Gwanghwamun 광화문, dịch theo tiếng Hán là Quảng Hòa Môn, nơi đây là nơi diễn ra rất nhiều hoạt động của Hàn Quốc như là lễ hội kim chi, tổ chức xem bóng đá của đội tuyển Hàn Quốc. Quảng trường khá dài, phía dưới và hai bên quảng trường là trạm xe điện ngầm, rất thuận tiện cho du khách tham quan đi lại. Ra khỏi trạm điện ngầm, bước lên mặt đất sẽ thấy hình ảnh đầu tiên là hình ảnh một vị tướng của người dân Hàn. Vị tướng này tên là Lee Soon Sin 이순신, tương truyền rằng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, ông đã chế tạo ra một loại thuyền đặc biệt, gọi là Geobukseon 거북선 – còn gọi là thuyền con rùa. Đây là một trong những loại thuyền bọc thép đầu tiên trên thế giới và nó giúp cho nhân dân Hàn Quốc đánh thắng giặc xâm lược. Về đêm, bức tượng được rọi sáng bằng thác nước nhỏ với ánh đèn đặt phía trước tượng.


Tượng tướng quân Lee Soon Sin 이순신 ở quảng trường Gwanghwamun 광화문
     
     Đi thêm một chút nữa là thấy tượng của vua Sejong 세종대왕, đây là vị vua duy nhất được nhân dân Hàn tôn vinh là đại vương. Ông chính là người đã sáng tạo ra bảng chữ cái Hàn Quốc, viết nên quyển sách gọi là Huấn dân chính âm - Dạy chữ đúng cho dân - đem đến cho dân tộc Hàn một chữ viết riêng độc đáo, không phải vay mượn từ tiếng Hán như tiếng Nôm và tiếng Nhật. Tên ông cũng chính là tên của ngôi trường mình đang theo học cũng như hình ảnh của ông được in trên tờ tiền 10000 won. Ngày 9 tháng 10 hàng năm, người dân Hàn được nghỉ lễ một ngày gọi là ngày Hangeul - Hàn ngữ để ghi nhớ chữ viết của dân tộc mình.

Tượng vua Sejong 세종대왕 trước cung Gyeongbok 경복궁

     Hai bên của quảng trường Gwanghwamun là những tòa nhà cao tầng, đan xen với nét cổ kính của cung điện xưa, tạo nên một sự pha trộn thú vị, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Một bên là viện bảo tàng, một bên là viện bảo tàng khác và đại sứ quán Mỹ. Trước đại sứ quán Mỹ, lúc nào cũng có hàng tá cảnh sát tuần tra. Gần đó là tòa thị chính của Seoul, giống như ủy ban nhân dân bên mình vậy. Nét hay và thú vị khi bạn đi dọc quảng trường này đó là dòng suối nhỏ hai bên. Khi đi từ cổng chính của cung ra đại lộ, bên cạnh dòng suối nhỏ là dòng chữ khắc tên các triều đại vua Choseon theo từng năm.


Trung tâm Seoul với cao ốc rực rỡ về đêm
    
   Nói thật dài dòng cũng tới cung điện, nhân vật chính của buổi đi chơi. Cung điện Gyeongbok được xây dựng từ thời đại Joseon - Triều Tiên, đó là triều đại phong kiến cuối cùng của Hàn Quốc. Cung điện này được xây dựng và sửa chữa nhiều lần và bị thiêu rụi trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc trong chiến tranh thế giới thứ hai. Sau này, cung đã được phục dựng lại cho người dân và du khách tham quan. Vì vậy, cung Gyeongbok chỉ mang tính chất biểu tượng, nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô Seoul và nó không còn những gì cổ xưa từ thời Joseon. Muốn thấy những gì cổ nhất thì bạn có thể ghé tham quan Changdeokgung - một trong ngũ cung ở Seoul - là cung điện tồn tại từ xưa đến giờ và là di sản văn hóa thế giới UNESCO. 

     Bên ngoài cung điện có người giả làm lính gác canh, du khách có thể thoải mái chụp hình với họ để làm kỷ niệm, điều này cũng giống với cung điện hoàng gia Thái Lan. Trong một ngày, có tất cả bốn lần cung điện sẽ làm nghi lễ đổi lính gác kéo dài trong mười lăm phút. Đây cũng là một trong những điểm thú vị thu hút du khách.



Lính gác cổng cung điện
Nghi thức đổi lính gác cung Gyeongbok

     Dạo vòng quanh cung, mình thấy nó cũng y như trên phim, nhưng có cảm giác không hoành tráng như khi lên phim ảnh. Cũng may mắn là mình ghé tham quan vào mùa xuân, nên tiết trời đỡ lạnh, hoa cũng nở rộ trong khuôn viên cung điện. Cung điện cũng khá rộng, dạo một vòng cũng tốn thời gian, nhưng nhìn chung kiến trúc cũng không khác biệt nhiều, nhìn các cung nó khá giống nhau. 

     
     Qua hai cổng vào cung là điện thiết triều chính của các vua, là nơi có quy mô nhất trong cung Cảnh Phúc này. Phía trước điện thiết triều là hàng cột được đánh dấu theo thứ tự cấp bậc các vị quan, phía trên là điện chính để vua và các quan lớn bàn việc nước. Hai bên sân thiết triều có tượng linh vật bảo vệ đất nước và hai cái lư đồng lớn. Trong thời gian thiết triều thì lư luôn được thắp hương tỏa khói và bãi triều thì tắt hương.
Linh vật bảo vệ thủ đô
     
     Bên trong gian thiết triều, màu sắc chủ đạo là màu đỏ thể hiện quyền uy của các vị vua Joseon. Sở dĩ vua Joseon lựa chọn màu đỏ một phần là màu mạnh mẽ, một phần là né tránh màu vàng của các vị hoàng đế thiên triều Trung Quốc. Sự nể sợ đó dẫn đến áo long bào của vua cũng có màu đỏ. Ngai vàng của vua Joseon nhìn chung cũng khá đơn giản và rộng rãi hơn ngai vàng vua triều Nguyễn, nhưng độ sắc sảo thì không bằng. Trên trần nhà nơi vua thiết triều có một con rồng bằng vàng được chạm khắc tinh xảo và nếu không tinh ý thì sẽ không thấy được. 


Ngai vàng vua Joseon
Rồng trên trần nhà
     
     Ngay sau điện triều chính là nơi ở của vua và hoàng hậu, phía bên phải là nơi ở của Thái Tử. Xa xa phía sau hậu cung là nơi ở của các phi tần, hoàng tử, công chúa cũng như giai nhân và nhìn chung kết cấu cung điện rất giống nhau và không có gì đặc sắc, cũng không có trưng bày các cổ vật ngày xưa. Điểm đẹp mắt có lẽ là nét trang trí trên các cột, kèo trong cung, các nét vẽ đầy màu sắc và nổi bật. Khu vực có view đẹp nhất có lẽ là các hồ trong cung, nơi có hàng cây liễu rũ bóng và công trình nho nhỏ giữa hồ, chắc có lẽ là nơi cho hoàng tộc đi dạo thưởng ngoạn. 


Hồ trong cung

Nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của vua


     Điều đọng lại khi bạn tham quan Gyeongbokgung đó là một không gian hoàng tộc mang dáng dấp cổ kính, tuy không xa hoa lộng lẫy nhưng thể hiện uy quyền của vương triều Joseon, thời kỳ phát triển mạnh mẽ cũng như chịu nhiều đau thương của đất nước Hàn Quốc.

Khoa Phạm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Paris, Eiffel và đôi bờ sông Seine