Làng truyền thống Korean Folk Village

     "Truyền thống được bảo tồn đậm nét"

     Tháng bảy, mùa hè đang đến và vẫy gọi những bước chân đi và khám phá, mình cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thế là mình cùng hai người bạn tìm một điểm tham quan và quyết định đi đến làng truyền thống, cách thủ đô Seoul hơn một giờ xe buýt. Làng văn hóa này có tên là Korean Folk Village, tên tiếng Hàn là 한국민속촌, nằm ở Yongin thuộc tỉnh Gyeongi.


   Đi đến làng cũng không có gì khó khăn lắm, nhóm mình đi subway đến khu vực Gangnam rồi bắt bus đến làng. Ngôi làng này là một trong những nơi mình muốn đến nhất khi đến Hàn Quốc, nhưng vì nhiều lý do mà hơn một năm rồi mình mới được đến đây, nên đây là một chuyến đi mà mình khá háo hức. Ngôi làng truyền thống này là nơi mình muốn đến tham quan vì mình bị ảnh hưởng qua phim ảnh cổ trang, qua các ngôi làng truyền thống, qua những tập tục mà mình được biết, đặc biệt là bộ phim Dae Jang Geum, một trong những phim Hàn mà mình rất ấn tượng.

     Vé vào cổng làng là 15000 won, khá cao so với các địa điểm du lịch khác, tuy nhiên sau khi kết thúc chuyến đi, mình thấy giá vé này rất xứng đáng đồng tiền. Bước vào cổng làng là hình ảnh hai anh lính canh thân thiện và rất sẵn lòng chụp hình lưu niệm với khách tham quan. Vào trong một chút là một không gian rất thoáng đãng, nhiều hàng cây xanh cùng với một số mô hình dễ thương, đó là hình ảnh người cổ Hàn Quốc trong trang phục ngày xưa với đủ ngành nghề từ lính, họa sư, gian thần hay quan lại.
Không gian xanh chào đón khách du lịch
      
Mô hình vui trong khuôn viên làng

     Vì đến khu vực làng khá trưa, vào tầm 12h trưa nên ba đứa quyết định nạp năng lượng trước khi đi tiếp. Và đó là quyết định sáng suốt vì khu vực làng chỉ có hai chỗ để ăn, đó là khu vực đầu và cuối làng, nếu không ăn sớm chắc đói rã ruột, hehe. Ba món ăn được gọi đó là bánh xèo kiểu Hàn với lớp bột dày và nhiều hành, cơm ăn với bò xào và canh sườn bò. Ngồi ăn trên một cái phản giữa không gian rừng cây thật là mát mẻ và thoải mái dù đang là giữa trưa hè.

     Sau khi no nê, cả đám tiếp tục hành trình, đến một khu vực nhỏ có dạng như một cổng làng, phía trước có một tảng đá lớn, dùng để cột vào đó những điều ước, mong muốn của bản thân. Mình cũng ham hố ghi một mong muốn nhỏ là mọi thứ xung quanh mình sẽ được thuận lợi và may mắn.
Tảng đá ước mong

     Vào sâu trong làng là rất nhiều khu vực khác nhau cho du khách tham quan và trải nghiệm, khu vực đồ gốm thì có bảo tàng đồ gốm, trải nghiệm làm đồ gốm thực tế, khu vực nuôi tằm nhả tơ, khu vực với nhiều chum ngâm kim chi, lên men tương đậu. Bên cạnh đó cũng có các gian nhà dành cho học tập, gian làm bếp, nhà kho cũng như khu vực phủ quan với các mô hình tra khảo ngày xưa, giống y như trong phim.

Khu vực gốm truyền thống

Một gian nhà nhỏ
Nhà dùng để học hành
Đồ lưu niệm được bày bán
Khu vực bếp núc

Nuôi tằm nhả tơ và dệt vải
Khu vực tra khảo phạm nhân
Lính canh

     Trong khu vực làng thì nơi mà cả ba đứa đều muốn tham quan là khu vực quay phim truyền hình cổ trang. Trong làng thì có nhiều khu vực được dùng để quay phim, các gian nhà, đường làng, nhưng khu vực hay ho nhất có lẽ là một khu nhỏ, nơi từng quay hai bộ phim rất nổi tiếng Sungkyunkwan Scandal và Dae Jang Geum. Sungkyunkwan Scandal kể về việc một cô gái vì bất đắc dĩ phải giả trai vào học tại Sungkyunkwan – trường đại học đầu tiên của Hàn Quốc, giống như Quốc tử giám của Việt Nam – dùng để dạy học cho con cái của quan lại và những nhân tài khắp Choseon. Ngày nay, ngôi trường này vẫn còn tồn tại và có hai chi nhánh tại thủ đô Seoul và thành phố Suwon gần đó. Sungkyunkwan Scandal bên cạnh yếu tố phim ảnh, nó còn giới thiệu được văn hóa nho học ngày xưa của Hàn, vốn chịu ảnh hưởng không hề nhỏ của văn hóa Trung Quốc, ngoài ra phim còn khắc họa hình ảnh học tập ngày xưa của Hàn Quốc, đem lại nhiều cảm giác mới mẻ cho người xem.
Một địa điểm quay phim cổ trang

Phim Sungkyungkwan Scandal


     Nói đến phim cổ trang Hàn Quốc thì không thể không nhắc đến phim Dae Jang Geum. Đây là một trong những bộ phim cổ trang đầu tiên của Hàn Quốc, đánh dấu cho bước phát triển của dòng phim này tại thị trường châu Á, sau nhiều năm bị lấn át bởi phim cổ trang Trung Quốc và Hongkong. Phim Dae Jang Geum được sản xuất bởi đài truyền hình MBC, một trong ba đài truyền hình lớn nhất của Hàn Quốc, rating của phim lập kỷ lục với con số luôn trên 30%, có thời điểm trên 40%. Có thể nói Dae Jang Geum là cột mốc cực kỳ lớn của dòng phim điện ảnh cổ trang Hàn Quốc. Phim kể về cuộc đời của một cô gái tên là Seo Jang Geum, con của một người cung nữ và một vị võ quan. Cuộc đời cô trải qua rất nhiều thân phận, từ cung nữ giỏi giang trong gian bếp chính, tới phạm nhân bị buộc tội bởi các thế lực gian ác tranh giành quyền lực, rồi bị lưu đày đến đảo Jeju xa xôi. Sau đó, với sự vươn lên mạnh mẽ, cô trở về hoàng cung với vai trò là một nữ y rồi nữ y quan đầu tiên, chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho vua Choseon, rồi trở thành mama tổng quản gian bếp chính như mong ước của mẹ cô, giải oan cho nỗi oan của gia đình cô Jang Geum được biết đến như người đầu tiên dùng dao phẫu thuật ở đất nước Hàn Quốc, tình tiết có vẻ hư cấu, khó kiểm chứng nhưng không thể phủ nhận cô là một người phụ nữ tài ba của Triều Tiên. Cô cũng là người phụ nữ duy nhất được vua phong họ Dae, nghĩa là Đại trong tiếng Triều Tiên.

     Phải nói rằng, bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem không chỉ ở Hàn Quốc mà còn khắp châu Á. Với dàn diễn viên xuất sắc, xinh đẹp, diễn xuất tinh tế cùng với góc quay tuyệt đẹp của các phong cảnh khắp đất nước, Hàn Quốc hiện lên trong mắt người xem một cách sinh động qua trang phục truyền thống Hanbok, qua các món ăn đầy màu sắc và bắt mắt, qua các phong tục tập quán, qua các màn trình diễn truyền thống, qua hình ảnh cung đình xưa với các vị vua chúa, hoàng hậu, cung phi và qua hình ảnh đời thường ngày xưa. Với những yếu tố đó, bộ phim này đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mình và ấn tượng về Hàn Quốc bắt đầu từ đây, chứ không phải là hình ảnh hào nhoáng trong phim hay hình ảnh sôi động của thế giới K-Pop.
Phim Dae Jang Geum
Khu vực ngâm kim chi, tương đậu trong phim

     Và đáp lại sự háo hức của mình khi tham quan làng là các màn trình diễn truyền thống vô cùng đặc sắc. Đó là lễ hội nhảy múa của nông dân cầu cho mùa màng tốt tươi, là màn trình diễn cưỡi ngựa bắn cung, là màn trình diễn đi trên dây và màn tái diễn một đám cưới cổ truyền, rước dâu về nhà của cặp đôi ngày xưa. Lịch trình diễn các tiết mục trên cũng rất là khoa học, mỗi ngày thì một phần trình diễn được diễn ra hai lần vào sáng và chiều với thời gian khoảng ba mươi phút, và bốn mình trình diễn được diễn ra với thời gian liên tiếp nhau với các khu vực biểu diễn gần với nhau tạo điều kiện cho du khách thưởng thức trọn vẹn. Với thời gian gần 2 giờ đồng hồ thưởng thức rất mãn nhãn và thích thú, dù đứng dưới trời nắng gay gắt của mùa hè, mình vẫn cảm thấy thỏa mãn.      
 
Nhảy múa cầu mùa màng tốt tươi


Ăn mừng mùa màng tốt tươi
Cưỡi ngựa bắn cung


Biểu diễn cưỡi ngựa bắn cung
Đám cưới truyền thống
 
Đám cưới truyền thống
Đám cưới truyền thống
Biểu diễn đi trên dây
Biểu diễn đi trên dây

     Kết thúc chuyến tham quan là viện bảo tàng nhỏ với mô hình thu nhỏ của ngôi làng và lịch sử Hàn Quốc qua các thời kỳ. Cả nhóm bắt xe bus về Seoul và kết thúc ngày đi chơi bằng buổi thịt nướng no căng bụng.

Khoa Phạm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Paris, Eiffel và đôi bờ sông Seine